Tin tức | 21/12/2024 16:20

Hội thảo quốc tế ICAMCS năm 2024: Học máy và Dữ liệu lớn luôn cần đến Tối ưu

Ngày 20/12/2024, Hội thảo quốc tế về Toán ứng dụng và Khoa học máy tính – International Conference on Applied Mathematics and Computer Science (ICAMCS 2024) chính thức khai mạc. Hội thảo do Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội và Viện nghiên cứu LCOMS, Trường Đại học Lorraine, CH Pháp đăng cai tổ chức. Hội thảo được phối hợp tổ chức cùng Đại học Bách Khoa Hà Nội, Hội toán học Việt Nam, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và Viện Tối ưu CTOPTIMAL.


ICAMCS 2024 thu hút hơn 100 đại biểu ở gần 20 quốc gia đến tham dự trực tiếp và trực tuyến.

ICAMCS 2024 là nơi quy tụ của nhà khoa học nổi tiếng thế giới, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực Toán ứng dụng và Khoa học máy tính. Tham dự hội thảo có hơn 100 đại biểu ở gần 20 quốc gia đến tham dự trực tiếp và trực tuyến. Hội thảo đã lựa chọn 81 báo cáo chất lượng nhất từ 158 bài gửi đến (20 báo cáo viên người nước ngoài và 60 báo viên Việt Nam), phù hợp với chủ đề của hội thảo để trình bày trong các phiên thảo luận chính thức của hội thảo.

PGS.TS Nguyễn Văn Định phát biểu khai mạc Hội thảo quốc tế về Toán ứng dụng và Khoa học máy tính.

Phát biểu khai mac hội thảo, PGS.TS Nguyễn Văn Định – Phó Hiệu trưởng Trường Quốc tế, bày tỏ việc tổ chức các hội thảo quốc tế như hôm nay là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển của Nhà trường. Qua đó, nhằm thúc đẩy năng lực nghiên cứu cũng như nâng cao vị thế học thuật toàn cầu của nhà trường. “Chúng ta đang chứng kiến những tác động sâu sắc của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với Internet vạn vật (IoT), Trí tuệ nhân tạo (AI), Dữ liệu lớn (Big Data) và robot. Có thể thấy rằng, trọng tâm của sự chuyển đổi này là đổi mới kỹ thuật số, trong đó Khoa học máy tính và Toán ứng dụng đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các thách thức và nắm bắt các cơ hội của kỷ nguyên số. Trước thực tế đó, Trường Quốc tế đã tổ chức Hội thảo quốc tế về Toán ứng dụng và Khoa học máy tính. Hội thảo đóng vai trò là cầu nối giữa các nhà khoa học, học giả và nhà nghiên cứu trên toàn thế giới, nhằm thúc đẩy các cuộc đối thoại và hợp tác”, PGS.TS Nguyễn Văn Định chia sẻ.

GS.TS. Lê Thị Hoài An chia sẻ những thông tin hữu ích về lý thuyết Quy hoạch hiệu hai hàm lồi (DC) và Thuật toán DCA.

Hội thảo được tổ chức nhằm vinh danh GS.TS. Phạm Đình Tảo và GS.TS. Lê Thị Hoài An nhân dịp kỷ niệm 40 năm ra đời của lý thuyết Quy hoạch hiệu hai hàm lồi DC và Thuật toán DCA. Trong bài báo cáo tại phiên toàn thể với chủ đề “40 năm phát triển của lý thuyết Quy hoạch hiệu hai hàm lồi (DC) và Thuật toán DCA”, GS.TS. Lê Thị Hoài An nhấn mạnh: Học máy và Dữ liệu lớn luôn cần đến Tối ưu. Học máy xuất phát từ dữ liệu, sau đó khi có dữ liệu thì có thể áp dụng mô hình này để trả lời câu hỏi, nhiệm vụ của học máy. Để xây dựng mô hình, Tối ưu rất quan trọng, bởi mỗi nhiệm vụ xây dựng một mô hình học máy có thể phát triển trực tiếp như một bài toán tối ưu. Tối ưu là một công cụ cơ bản không thể thiếu, quan trọng của học máy. Với Dữ liệu lớn, những thử thách của Dữ liệu lớn dẫn đến thử thách của Tối ưu. Tương quan với Dữ liệu lớn chính bài toán tối ưu, số chiều lớn, do vậy cần những phương pháp nhanh, hiệu quả để giải những bài toán này.

GS.TS. Lê Trung Thành và PGS.TS. Nguyễn Quang Thuận tặng hoa các diễn giả chính của hội thảo.

PGS.TS. Nguyễn Văn Định chúc mừng GS.TS. Phạm Đình Tảo và GS.TS. Lê Thị Hoài An nhân dịp kỷ niệm 40 năm ra đời của lý thuyết Quy hoạch hiệu hai hàm lồi DC và Thuật toán DCA.

Nhiều trường đại học danh tiếng (Berkeley, MIT, Princeton, Stanford, New York) và hãng công nghệ/công nghiệp lớn (Microsoft, Google, Ndivia, Alibaba, Nasa, Fujitsu, NAVAL Group, RTE,…) đã sử dụng công cụ này để giải quyết các bài toán trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: khoa học dữ liệu, đặc biệt là học máy, hệ thống truyền tin, vận tải – hậu cần, quản lý sản xuất, năng lượng, môi trường, tài chính, sinh học, cơ khí, an toàn tin học, người máy, y học…

GS.TSKH Hồ Tú Bảo – chuyên gia của Trường Quốc tế, trình bày về chủ đề “Phương thức sản xuất số trong chuyển đổi số”.

Trong ngày thứ hai của Hội thảo, GS.TSKH. Hồ Tú Bảo – chuyên gia của Trường Quốc tế, đã có bài trình bày về “Phương thức sản xuất số trong chuyển đổi số”. Bài trình bày của GS.TSKH Hồ Tú Bảo tập trung vào 4 nội dung chính của cách mạng chuyển đổi số. Chuyển đổi số được hiểu là quá trình thay đổi cách chúng ta sống và cách ta làm việc trên môi trường thực số. Phương thức sản xuất được hiểu là cách thức con người thực hiện để tạo ra sản phẩm vật chất ở những giai đoạn lịch sử nhất định. GS Hồ Tú Bảo nhấn mạnh vào lịch sử tư liệu sản xuất, lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam. Nội dung thứ ba là khai thác hạ tầng dữ liệu tri thức bằng AI và công nghệ số. Trong nội dung này, diễn giả đề cập đến giá trị về tài nguyên dữ liệu ở Việt Nam. Cách thức quản trị, triển khai, khai thác nguồn tài nguyên quý báu này như thế nào bằng cách sử dụng AI cũng được chuyên gia Trường Quốc tế đề cập đến trước làn sóng các mô hình ngôn ngữ lớn LLMs. Bài diễn thuyết kết thúc với chủ đề về ví dụ chuyển đổi số trong y tế mà GS. Hồ Tú Bảo tham gia triển khai. Dự án đã minh họa rõ nét tác dụng của ứng dụng chuyển đối số, và AI trong ý tế.

GS. Lê Thị Hoài An chia sẻ các nhà khoa học nên kết hợp với doanh nghiệp để cùng giải quyết các bài toán của thực tế doanh nghiệp.

Bài thuyết trình của GS. Hồ Tú Bảo thực sự thu hút sự quan tâm của người tham dự hội thảo. GS. Lê Thị Hoài An – Trường Đại học Lorraine, CH Pháp, và GS. Jianming Shi – Trường Đại học Khoa Học Tokyo, cùng nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với Chính phủ và Việt Nam. GS. Lê Thị Hoài An chia sẻ các nhà khoa học nên kết hợp với doanh nghiệp để cùng giải quyết các bài toán của thực tế doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy việc nhanh chóng quá trình chuyển đổi số cũng như ứng dụng khoa học và trí tuệ nhân tạo vào cuộc sống.

GS. Jianming Shi – Trường Đại học Khoa Học Tokyo, nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyển đổi số.

Hội thảo quốc tế về Toán ứng dụng và Khoa học máy tính tạo cơ hội để nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên tham gia viết bài và trình bày nghiên cứu của mình. Các bài nghiên cứu của giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên Trường Quốc tế nhận được sự quan tâm của người tham dự. Người tham dự cùng trao đổi, chia sẻ để các báo cáo viên của Trường hoàn thiện thêm nghiên cứu của mình.

Giảng viên Nhà trường trình bày nghiên cứu tại hội thảo.

Nghiên cứu sinh Nhà trường trình bày nghiên cứu.

Như vậy, là diễn đàn cho các nhà khoa học Việt Nam và thế giới trình bày các kết quả nghiên cứu, thảo luận thực trạng, thách thức và triển vọng trong ngành tin học, toán ứng dụng và các ứng dụng thực tiễn, ICAMCS 2024 mang lại những lợi ích to lớn cho cộng đồng khoa học ĐHQGHN, Trường Quốc tế nói riêng và Việt Nam nói chung, góp phần tăng chỉ số quốc tế hóa của ĐHQGHN.





24

Chương trình đào tạo

Hơn 6000

Sinh viên, học viên

Hơn 400

Giảng viên, chuyên gia, nhà khoa học

40

Đối tác nước ngoài và trong nước

30

Quốc tịch

93%

Tỉ lệ việc làm trong 12 tháng sau tốt nghiệp